Thế kỷ mới Lịch_sử_Beograd

Đế chế Ottoman

Beograd thế kỷ 16

Ngày 28 tháng 8 năm 1521, 250.000 quân Thổ dưới sự chỉ huy của Suleiman Đại đế phá vỡ Beograd. Thành gần như bị san bằng, toàn bộ người Chính thống giáo trong thành bị trục xuất tới Istanbul, đồn lũy trấn giữ tuyến đường tới BudapestVienna đã bị đập tan.[23] Biên giới của Ottoman đẩy xa thêm về phương bắc nên Beograd không còn vị trí chiến lược quan trọng nữa. Trong 150 năm tiếp theo, Beograd được hưởng thái bình, chỉ còn là đầu mối giao thương. Từ tháng 9 năm 1521, thủ phủ sancak được chuyển từ Smederevo tới Beograd.

Từ một tiền đồn quân sự, Beograd chuyển mình thành trung tâm hành chính, thương mại quan trọng của Ottoman. Thành phố thay đổi diện mạo theo phong cách phương Đông với sự phát triển mạnh mẽ của tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp.[30] Thời kỳ đầu thuộc Ottoman, dân số chủ yếu là người Hồi giáo, đa phần đến từ Balkan, còn lại là người Thổ.[12] Thương gia từ Dubrovnik, Venice, Hy Lạp và Áo, thợ thủ công từ Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Serbia và Roma đều kéo tới đây. Trong 146 năm cai trị, Ottoman cho xây sáu trung tâm lữ thương, hai chợ, bảy nhà tắm công cộng, nhiều trường học và khoảng 40 thánh đường Hồi giáo, trong đó ấn tượng nhất là nhà thờ Ibrahim Bey ở phố Obilićev ngày nay.[31] Beograd đã từ bỏ vị trí đồn lũy phòng ngự để trở thành đầu mối quan trọng của các tuyến thương mại nối phương Đông với châu Âu.

Dịch bệch năm 1579 hoành hành ở Beograd, nên ba năm sau chỉ còn khoảng 934 nóc nhà.[12] Dân số Serbia hồi phục nhanh nhất, đại diện cho một lượng cư dân đông đúc, nhưng họ phải sống bên ngoài thành trong các khu nghèo đói, công việc chính là trồng trọt và thủ công.

Europa regina trong tác phẩm Cosmographia của Sebastian Münster (thế kỷ 15), khắc họa lục địa châu Âu như một nữ hoàng. Beograd là một trong số ba thành phố được nhắc đến.

Năm 1594, một cuộc nổi dậy lớn của người Serb bị Ottoman dập tắt. Phó vương Sinan Pasha đã thiêu thánh tích của thánh Sava công khai để răn đe, về sau vào năm 1935, nhà thờ thánh Sava được xây cất để kỷ niệm biến cố này.[32]

Beograd thuộc Ottoman tiếp tục tăng trưởng đến giữa thế kỷ 17, là thành phố lớn thứ hai của Ottoman ở châu Âu với dân số khoảng 100.000 người, chỉ đứng sau Constantinopolis.[12]

Chiến tranh Áo-Thổ

Sau 167 năm thái bình, Beograd quay lại thành một mục tiêu chiến địa. Trong Đại chiến Vienna, nạn đói nhấn chìm thành phố, một trận hỏa hoạn thiêu rụi kho vũ khí và khoảng 4.000 nóc nhà.[12] Ngày 6 tháng 9 năm 1688, công tước Áo Maximilian xứ Bavaria thôn tính Beograd. Chỉ 20 ngày sau, Đại chiến Liên minh nổ ra, buộc phần lớn quân Áo phải rút khỏi Serbia. Điều này cho phép quân Thổ tập trung lực lượng và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc tấn công hai năm sau đó. Chiến cuộc nổ ra châm ngòi cho cuộc di cư lớn của người Serb. Đại hội đồng Công giáo quốc gia họp tại Beograd, kiến nghị lên hoàng đế Áo Leopold công nhận đặc quyền cho người Serb. Tháng 10 năm 1690, quân Ottoman chiếm Beograd sau sáu ngày vây hãm. Cả thành bị thanh trừng, cướp bóc và thảm sát vì nguyên cớ đã hợp tác với người Áo.

Eugène xứ Savoie chỉ huy quân Áo đánh chiếm Beograd trong chiến tranh Áo-Thổ 1716-18

Ngày 17 tháng 8 năm 1717, vương công Eugène xứ Savoie dẫn quân Áo tái chiếm Beograd. Hòa ước Pozarevac xác nhận Beograd và miền bắc Serbia sáp nhập vào đế quốc Áo. Năm 1720, chế độ quân quản được thay thế bằng một chính quyền do hoàng thân Alexander Wurmern lãnh đạo tới năm 1733. Từ 1723 đến 1736, theo chiến lược cách tân quân sự hiện đại của Đại tá Nikola, pháo đài mới được xây dựng trên nền pháo đài cũ đã bị phá hủy. Thời kỳ Áo cai trị Beograd từ 1717 đến 1739 đánh dấu sự thay đổi cơ bản, từ phong cách phương Đông của văn hóa Thổ chuyển sang đặc điểm một đô thị Trung Âu điển hình. Nhiều nhà mới được dựng lên quanh pháo đài với thành lũy bao quanh. Hoạt động thương mại được hồi sinh, ngày càng nhiều người Đức, Hungary, Pháp, Séc và các nước khác di cư đến buôn bán và sinh sống. Hoàng đế Charles VI ra chiếu chia đôi Beograd: phần bên sông Danube dành cho những người tộc German (Đức), còn lại đều phải chuyển đến gần sông Sava gọi là khu Serbia, đồng thời tấn phong Moses Petrovic làm Tổng giám mục Beograd.

Ngày 22 tháng 7 năm 1739, quân Thổ đại phá quân Áo ở Grocka.[33] Ngày 17 tháng 8, hòa ước Beograd được Áo-Thổ ký kết, Beograd được trả lại cho Ottoman. Đường biên được vẽ lại theo dòng Sava và Beograd lại là một tiền đồn biên giới. Quân Áo buộc phải phá hủy toàn bộ thành lũy, doanh trại và nhiều đơn vị khác. Tại Beograd, trong các kiến trúc Áo, chỉ còn lại kho đạn,[34] cổng Charles VI và cổng Leopold. Người German di cư, cũng như người Serb đến Petrovaradin. Người Thổ kéo Beograd về phong cách Đông phương và biến nhiều nhà thờ Kitô giáo thành nhà thờ Hồi giáo, nhưng cũng phải mất gần 14 năm để khôi phục diện mạo của cổ thành (giống như ngày nay). Trong khi Beograd suy thoái, thì Zemun đã được trao một vị thế đặc biệt ở tiền phương và điều kiện phát triển kinh tế: thương mại, thủ công, đánh cá và cảng sông. Xây dựng phát triển, các tòa nhà mới xuất hiện như: Karamatina, Ichkova và nhà Dimitri Davidovic. Trường tiểu học Serbia được mở vào năm 1745. Họa sĩ Georgia Tenecki và các nhà văn hóa nổi tiếng khác cũng sống và làm việc trong thành phố.

Tỉnh Beograd (thủ phủ Smederevo) thuộc Đế quốc Ottoman năm 1791

Chiến tranh Áo-Thổ tiếp diễn, ngày 8 tháng 10 năm 1789, thống chế Gideon Ernst von Laudon công hạ Beograd. Khi xảy ra xung đột với Phổ cùng lúc, Áo phải làm hòa với Thổ. Dựa trên Hòa ước Beograd năm 1739, Beograd và miền bắc Serbia được trả lại cho Ottoman một lần nữa. Tuy nhiên, chỉ đến khi ký Hòa ước Svistov 1791, quân Áo mới rút về Zemun. Ngày 23 tháng 10 năm 1791, Beqir Pasha đưa quân Thổ vào tiếp quản Beograd.

Bệnh dịch năm 1794 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 4.500 cư dân Beograd.[12]

Giải phóng

Nhóm Dahije ám sát Hajji Mustafa Pasha, họa sĩ khuyết danh

Ngày 15 tháng 9 năm 1801, nhóm sĩ quan Dahije ám sát Mustafa Pasha, và tự đứng ra cai trị thành phố và vùng phụ cận trong cảnh hỗn loạn, bạo lực, vô luật pháp. Việc giết hại các hoàng thân và các công dân Serbia nổi tiếng khác đã đẩy lên đỉnh điểm, thức tỉnh người Serb nổi dậy lần thứ nhất do Karadjordje lãnh đạo vào năm 1804, mục đích nhằm giải phóng Beograd. Sau hai năm, quân nổi dậy chiếm được khu dân cư và năm 1807 thu phục được pháo đài phòng thủ. Beograd một lần nữa trở thành thủ đô của Serbia. Năm 1807, chính quyền Serbia thiết lập tại Beograd, và từ năm 1811, các cơ quan cấp bộ bắt đầu hoạt động. Nhiều trí thức từ Áo và các nơi khác trở về như Sima Milutinovic Sarajlija, Ivan Jugovic và Dositej Obradovic, người mở Trường Lớn đầu tiên vào năm 1808.

Tòa nhà của Trường Lớn cũ, ngày nay là Bảo tàng Vukov và Docitejev

Công cuộc phát triển Beograd gián đoạn vào năm 1813 bởi Ottoman tiến hành chinh phạt.[35] Sự đàn áp của quân Thổ dẫn đến Cuộc nổi dậy Serbia thứ hai vào năm 1815. Thủ lĩnh cuộc cuộc nổi dậy, hoàng thân Milos Obrenovic, đã đàm phán ngoại giao thành công với quân Thổ, Serbia được nhiều quyền độc lập tự do hơn.[36] Dân số Serbia tăng mạnh ở phía nam, người Thổ không còn gì phải bán hết cả điền sản. Quân Thổ chỉ còn giữ được pháo đài, còn toàn bộ khu dân cư là của người Serb. Năm 1830, sultan trao quyền tự trị cho Beograd. Những kiến trúc đặc trưng được xây dựng: tư gia công nương Ljubica, nhà thờ chính tòa, hoàng cung Milos, v.v.

Tư gia công nương Ljubica

Ngoài chức năng kinh tế, Beograd đã trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng. Năm 1831, nhà in đầu tiên ở Beograd bắt đầu hoạt động. Năm 1835 xuất bản tờ báo đầu tiên ở Beograd là "Báo Serbia". Năm 1840 mở bưu điện đầu tiên. Ngoài ra còn mở Chủng viện, sân vận động đầu tiên, Beograd trở thành thiên đường của nhiều nhà sáng tạo văn hóa đương thời như: Vuk Karadzic, Jovan Steria Popovic, Joakim Vujic, Dimitri Davidovic... Năm 1841, hoàng thân Mihailo Obrenovic chuyển thủ phủ của công quốc Serbia từ Kragujevac về Beorad.[37] Năm 1844 khánh thành Bảo tàng quốc gia Beograd. Năm 1855, đường dây điện báo đầu tiên nối Beograd tới Aleksinac. Sự hiện diện của quân Thổ trong pháo đài cản trở sự phát triển cũng như đe dọa Beograd. Ngày 15 tháng 6 năm 1862, sự cố tại đài phun nước Čukur khiến một cậu bé Serbia bị thương châm ngòi cho một loạt xung đột tiếp theo, đỉnh điểm là quân Thổ đã pháo kích vào thị trấn vào ngày 17 tháng 6. Tháng 7 năm 1862, các Đại cường quốc họp lại đàm phán về việc Ottoman phải rút quân và trao quyền độc lập cho Serbia. Ngày 18 tháng 4 năm 1867, đại diện quân Thổ là Ali-Riza Pasha trao lại chìa khóa Pháo đài cho Hoàng thân Mihailo tại Kalemegdan và rút toàn bộ binh lính khỏi Beograd, kết thúc 346 năm cai trị. Beograd được độc lập trên danh nghĩa khi có lính Serbia trú đóng và cờ Serbia được cắm bên cạnh quốc kỳ Ottoman.

Năm 1868, Hoàng thân Mihailo bị ám sát trong xe ngựa khi đang đi trong điền trang mình.[38]

Năm 1876 nổ ra cuộc chiến Serbia - Thổ, cờ Ottoman được hạ xuống hoàn toàn. Hội nghị Berlin 1878 công nhận nền độc lập cho cho Serbia. Năm 1882, Serbia trở thành một vương quốc với thủ đô đặt tại Beograd.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Beograd http://www.belgradenet.com/belgrade_history.html http://www.belgradewaterfront.com/en/project-phase... http://www.beligrad.com/history.htm http://www.historynet.com/magazines/military_histo... http://www.timetravelturtle.com/2013/07/ruined-bui... http://www.vreme.com/arhiva_html/450/2.html http://www.mek.oszk.hu/02000/02085/02085.htm http://www.znaci.net/00001/4_14_1_6.htm //doi.org/10.2298%2FSTA0858009S //dx.doi.org/10.1016%2Fj.jas.2010.06.012